Tản văn

NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN

Bố là người thầy đầu tiên trong đời tôi

Bố mẹ tôi đều là nông dân. Ngoài làm ruộng, từ ngày lấy nhau bố mẹ luôn tìm thêm một công việc nào đó phụ vào tăng thu nhập. Khi thì làm nghề tết pháo, khi thì đi làm ở lò gạch. Đến năm 92, sau khi sinh em út, mẹ tôi bắt đầu đi chợ đổi kẹo – mà người ta hay gọi là đi buôn đồng nát. Bố ở nhà làm nghề sửa xe đạp, vừa chăn nuôi, trồng trọt; vừa chăm bẵm ba anh em khi mẹ đi chợ từ sáng tới chiều tối. 

Tôi học được từ bố cách quán xuyến việc gia đình. Với con mắt của đứa bé 3 tuổi, sự sắp xếp công việc một cách tuần tự và theo giờ giấc đã vô thức ăn sâu vào tâm trí của tôi. 

Sáng cả nhà cùng ăn xong, bố ra cổng đón vía cho mẹ, chúng tôi lon ton chạy theo vẫy chào cho đến khi dáng mẹ rẽ vào con ngõ nhỏ. Dắt lũ con vào nhà, bố để ba anh em chơi bên cạnh chiếc xe đạp bố đang sửa dở. Từ nhỏ, tôi đã được xem bố tháo từng cái nan hoa, từng con bi trong đĩa xe đạp, nối xích hay vá săm… rồi lại lắp ghép lại thành một chiếc xe đạp bình thường. 

Trưa bố vừa nấu cơm cho ba bố con, vừa quấy bột cho em út. Đút cơm cho thằng lớn con nhỏ, đút bột cho thằng út… cứ tuần tự lần lượt chẳng đứa nào phải há miệng suông. Ăn uống xong cho cả ba đứa lên giường, bật quạt con cóc, cứ thế mà tụi tôi ngủ trưa ngon lành. 

Chiều đến, là giờ lợn gà. Bố dắt chúng tôi ra vườn để tiện trông nom. Sau đó bố mới đi tắm rửa cho từng đứa một. Xong xuôi, cũng là lúc mẹ về. 

Đây đều là những đồ mà bố tôi đã sửa và tái chế từ những món đồ “đồng nát”. Đến thời của lũ cháu nội vẫn trở thành những món đồ chơi độc, lạ.

Chiếc làn xe của mẹ luôn là một thứ kì diệu với chúng tôi. Nó giống như chiếc túi bảo bối thần kì của Doreamon, có thể lôi ra rất nhiều thứ hay ho. Chiếc kính vạn hoa, con lật đật, chiếc đồng hồ. Dĩ nhiên, toàn là đồ phế liệu người ta đã bỏ đi. Nhưng dưới bàn tay khéo léo của bố, mọi thứ như được hồi sinh vậy. Chúng tôi luôn háo hức mỗi khi mẹ gỡ làn xuống chiếc ghi đông xe, và chờ đợi câu chốt của bố “giữ lại, sửa được!”.

Chúng tôi cứ lớn lên như thế. Năm anh trai vào lớp Một cũng là năm tôi biết chữ. Bởi bố mua hai bộ tập tô, một cho anh, một cho tôi. Bố là người thầy dạy tôi biết viết những con chữ đầu tiên. 

Tôi không nhớ rõ bố đã bắt tay tôi viết những nét chữ đầu tiên ra sao. Nhưng tôi mãi nhớ về một buổi sáng mùa hè năm tôi 5 tuổi. Tôi ngồi tập tô bên cạnh bố đang sửa xe đạp. Tôi say sưa đến nỗi chị họ và nhỏ bạn hàng xóm đứng ngoài cửa rủ đi chơi mà tôi từ chối không đi. Tôi khi đó có vẻ đã thành thạo chuyện đưa cây bút chì tô kín từng nét chữ. Bố ngồi cạnh, thi thoảng ngó bài vở tôi. 

Tôi vào lớp Một. Bố là người thầy dạy tôi những phép toán đầu tiên.

Buổi học đầu tiên sau lễ khai giảng, chúng tôi đã có bài tập về nhà. Tôi nghĩ lúc học trên lớp mình đã không hiểu lời cô giảng, nhưng lúc đó tôi chưa biết rằng mình không hiểu bài. Buổi chiều khi làm bài tập về nhà, thay vì làm phép tính, tôi lại chép lại đề bài vào vở. Tôi thầm nghĩ việc học sao mà lại có thể dễ dàng và đơn giản như thế chứ. Chép đẹp đẽ xong, tôi chạy sang nhà chị họ, khoe rằng mình đã học bài xong. Chị họ đuổi tôi đi chơi vì chị vẫn cặm cụi làm bài mà chưa được. Tôi thấy lạ lắm mà kệ, để chị làm bài và chơi một mình. 

Buổi tối, mẹ vẫn thường cho chúng tôi lên nhà bà ngoại chơi. Thấy tôi khoe mình làm xong bài tập từ chiều, bà thưởng cho tôi một cây kẹo mút. Tôi để dành mãi đến khi về nhà mới bóc ra ăn. Vị ngọt của cây kẹo vừa chạm tới đầu lưỡi thì bố tôi đã túm tôi vào bàn học tập. Cuốn vở toán ban chiều được mở ra từ khi nào. 

– Ai bảo con chép đề vào vở thế này? Không biết làm toán à?

Tôi chẳng hiểu bố đang nói gì cả. Ngó vào cuốn vở tôi thấy chẳng có gì là sai. Nhìn cái mặt vênh váo của tôi, bố thở dài. Thế rồi, lấy hết sự bình tĩnh có thể, bố bắt đầu giải thích. Và với sự kiên nhẫn của bố, tôi bắt đầu vỡ ra vấn đề. Chẳng nhớ bố con tôi đã ngồi mất bao lâu mới làm xong tất cả những bài toán ấy, tôi chỉ nhớ sau khi làm xong, bố đi lấy cơm nguội để dán phần tôi đã làm sai đi. 

– Mai cô có hỏi thì bảo do em làm sai nên em làm lại nhé. Trang này không tính nhé.

– Sao mình không xé luôn trang đó đi hả bố?

– Xé trang đó đi thì mình phải bỏ phí 1 trang khác đấy. Với cả, ai mà chẳng có lúc sai, nhìn vào đó để sửa chữa chứ “phi tang” làm gì. 

Hôm sau, đến lớp, bài của mình được 9,5 điểm vì tội để vở bẩn thôi. Nhớ sự dìu dắt đầu tiên ấy, tôi bớt cái tính láu táu và không còn phải nhờ tới bố lần thứ hai nữa. 

Bố cứ lặng lẽ đồng hành việc học của anh em chúng tôi như thế đó. Không những là người kịp thời chỉ bảo cách học, bố còn là người thợ tài ba trong việc thiết kế không gian học cho chúng tôi nữa. Tự tay bố đóng bàn, đóng từng chiếc ghế cho ba anh em, đóng từng cái giá sách. Tự tay bố lắp từng cái bóng đèn hay sửa chữa mỗi khi nó hỏng hóc, chập chờn. Cứ mỗi học kì bắt đầu, cả nhà lại háo hức quây quần để bố dạy bọc sách vở hay đóng tập nháp từ những quyển vở viết thừa. 

Bố và đồ nghề qua bao tháng năm, giờ vẫn dùng để sửa xe cho mấy đứa cháu
Bố và đồ nghề qua bao tháng năm, giờ vẫn dùng để sửa xe cho mấy đứa cháu

Bố chỉ là một ông nông dân, một ông thợ sửa xe đạp thôi, nhưng ông cũng đã trở thành một người thầy vĩ đại của tôi. Nếu không có những dìu dắt từ những bước đi đầu tiên như thế, có lẽ tôi đã chẳng biết viết sớm, có thể học dốt toán. Bởi vì có bố, mà kí ức tuổi thơ của tôi thật hồn nhiên và sống động. 

Bản thiết kế của bố 

P.S: mặc dù bố tôi chẳng học hành gì đâu, nhưng ngôi nhà đẹp đẽ mà chúng tôi đang ở là bố tôi thiết kế đó. Bố tôi chỉ biết vẽ mặt bằng thôi, nhưng bố có khả năng biến nó thành hiện thực. Còn nữa, bố tôi còn tự tay thiết kế đường dây điện và tự lắp mà không cần thuê ai cả. 

Một cô gái thong dong, thích nấu ăn cho những người thân yêu

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *