Kịp lúc | Lý Quốc Đạt
Tản văn

Sự nghiệp của mẹ

Mẹ tôi làm nghề đồng nát.

Mỗi ngày mẹ đi làm, bọn tôi hay gọi đó là mẹ đi chợ đi chợ, mẹ đi đổi kẹo.

Sự nghiệp của mẹ bắt đầu từ cuối năm 1992, khi đang mang bầu em trai tôi. Mẹ đi xa lắm, tận Yên Viên, Gia Lâm cầu Đuống, cách nhà tận mười mấy cây số. Bố ở nhà, sửa xe đạp, chăn nuôi, chăm bẵm ruộng vườn và nuôi dạy mấy anh em chúng tôi.

Mẹ đi chợ từ sáng đến tối mới về. Tôi nhớ những buổi chiều hè muộn, ngồi chõng tre chờ trăng lên qua vòm cây xoan xa xa là lúc mẹ sẽ về đến cổng. Tôi nhớ những ngày mưa giông, mây đen kéo đến, hớt hải chạy đi thu cất mọi thứ, lại vừa ngóng ra cổng, chỉ mong mẹ đã kịp về nhà. Tôi nhớ những ngày đông rét, đun nồi nước thật to, rồi ủ vào gio bếp để lát mẹ về có sẵn nước ấm tắm luôn. 

Tất cả những mong ngóng ấy đều được hồi đáp xứng đáng.

Mẹ đi chợ về, dừng xe từ ngoài cổng, lũ trẻ con chúng tôi liền chạy sà ra, đẩy xe cho mẹ lên cái dốc cổng. Đứa đợ xe, đứa tháo dây chun chằng bao đằng sau để mẹ tháo đồ dần xuống. Trong mắt tôi, chiếc xe đạp phượng hoàng cũ của mẹ chứa cả một kho báu. Cái làn nhựa màu hồng nhạt treo trên ghi đông xe là một cái túi thần kì lúc nào cũng có sẵn những cái kẹo ngọt, mấy quả mận, quả na, quả ổi, quả doi, mấy miếng quế thơm thơm. Đằng sau cái yên xe của mẹ là những cái bao tải to nhỏ chứa đầy đồ chơi. Chúng tôi hồi hộp dốc hết tất cả những cái bao xuống, mong chờ những món đồ chơi sẽ xuất hiện. Con bập bênh tròn béo của Nga, búp bê thủy thủ mặt trăng bằng nhựa, kính vạn hoa mà xoay xoay sẽ thấy nhiều màu sắc, chiếc hộp đồ chơi kín mà ghé mắt vào sẽ thấy hành trình đi thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tăng, những chiếc ống cắm bút bằng nhựa đáy có hình trái tim… Mấy món đồ chơi đã cũ hoặc đã hỏng mà mẹ thấy đẹp đẹp nên bớt lại. Vì mẹ biết, mấy món đồ đó khi qua bàn tay sửa chữa của bố thì sẽ trở thành những món đồ chơi mà lũ trẻ con thôn quê có mơ cũng không có được. 

Chúng tôi lớn lên với những thức quà và những món đồ chơi như thế. Sau này, khi bọn tôi đi học, chiếc bao tải của mẹ còn là một kho thư viện cũ nữa. Những quyển sách giáo khoa, sách nâng cao cũ. Những tập vở viết vài trang rồi bỏ. Đôi khi còn là những quyển sổ thơ, bài hát chép tay với những nét chữ nắn nót và bay bổng. Những tờ báo và quyển báo cũ, từ an ninh thế giới cho đến báo phụ nữ gia đình; thích nhất là cái quyển báo tuổi trẻ, báo hoa học trò, báo mực tím. Những bộ truyện tranh huyền thoại như Bảy viên ngọc rồng, Doreamon, dũng sĩ Hecman, Conan. Với mẹ tôi, cứ cái gì có chữ cũng đều sẽ bớt lại, vì biết kiểu gì cái Hòa cũng lọc được thứ hay ho, hoặc có thể để dành sau này dùng đến. Chả thế mà, bọn trẻ chúng tôi có một “thư viện” thật xịn, truyền tay nhau đọc ngấu nghiến. Với những quyển vở dở dang, bố dạy chúng tôi cách dọc những trang giấy chưa viết, đục lỗ và khâu thành những quyển vở hay quyển nháp xịn xò. Bố cũng dạy chúng tôi lấy báo bọc lại sách vở, thậm chí còn dạy cách ghép các quyển vở lại với nhau thành những quyển sổ dày dặn hơn. Nói thật những quyển vở mang tiếng là cũ, nhưng chúng còn xịn hơn cả quyển vở tôi mua ở chợ. 

Nhưng những món đồ ấy chưa là gì với câu chuyện mẹ sẽ kể vào lúc ăn cơm tối. Hành trình cả ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp, vừa đi vừa rao “Đồng nát đi, nát sắt vụn bán đi” quanh khắp các con ngõ nhỏ. Nhà nào có đồ cần dọn dẹp thì sẽ gọi vào bán cho. Cũng từ đó, mẹ quen biết và thân thiết với biết bao nhiêu gia đình đến tận bây giờ (bây giờ mẹ vẫn hay gói bánh khi rảnh để đem biếu những người quen ấy). Câu chuyện về cuộc sống của từng gia đình mẹ phụ giúp dọn dẹp, mua phế liệu hiện lên thật sinh động. Từ nhà bác làm thợ tiện, chú làm hàn xì, cô bán đồ điện cho đến những bác bán cơm, bà buôn mắm; từ những nhà ông bà khá giả con cái thành đạt cho đến những nhà ông bà bán tạp hóa… Ai cũng đều là người tốt, đều hào phóng và sẵn sàng tin tưởng mẹ. Người ta bán rẻ như cho, để mẹ vào nhà dọn dẹp giúp và hay chuyện trò về gia đình của nhau. Trong ngôn từ của mẹ dường như không có khái niệm người xấu và tôi cũng tin như vậy vì mẹ hay mang về những chiếc kẹo mà người ta cho. Mẹ kể, hôm nay là kẹo của bà Tiệm này, hôm nay là kẹo của bà Giảng này, hôm nay là kẹo nhà chú Lâm Thái này…

Mẹ cũng hay kể về chuyện hôm nay mua được nhiều hàng, xe chất cao ngất ngưởng, mỗi lần đạp xe qua con dốc đường tàu đều phải xuống xe để dắt qua. Và lúc nào cũng có người dừng lại, đẩy giúp xe cho mẹ. Hoặc hôm nay, mẹ hơi vụng về, buộc đống giấy vụn không chặt nên xe nghiêng ngả, người ta đang ngồi trong nhà liền chạy ra đỡ hộ. Giọng mẹ sôi nổi, nụ cười mẹ giòn tan tràn đầy niềm vui vì mẹ bảo ngày đi làm của mẹ toàn gặp được người tốt và vui tính thôi. Không có một sự nhọc nhằn đáng kêu ca nào ở đây. Ngày mưa cũng như ngày nắng, mùa hạ cũng như mùa đông, bao năm tháng mẹ vẫn giữ nguyên giọng yêu đời ấy và chúng tôi lớn lên với những câu chuyện của mẹ như những câu chuyện cổ tích trong sách vậy. Nên tôi tự hào về nghề của mẹ mình lắm. Không việc gì là vất vả khi nó đem lại thu nhập và niềm vui, cũng như sự thỏa mái trong tâm hồn.

Khi chúng tôi lớn lên một chút thì trong những ngày nghỉ học, anh em chúng tôi thay phiên nhau đi cùng để giúp mẹ. Mẹ đèo đằng sau, vừa đi mẹ vừa kể chuyện, cứ như thể việc từng bánh xe đạp lăn cũng nhả ra được một câu chuyện hay ho nào đó vậy. Đi làm với mẹ, được gặp những con người thật bước ra từ câu chuyện ngày xưa, tôi bắt đầu khám phá ra những bí mật.

Đầu tiên, đạp xe mấy chục cây số mỗi ngày rất mệt. Chặng đường đi dường như dài vô tận, vô tận. 

Thứ hai là đi chợ không hề vui như thế. Làm việc thì hùng hục, đầu việc dọn dẹp thì không có giới hạn, toàn những thứ lỉnh xỉnh, xấu xí, bẩn thỉu. Hót phoi sắt từ những lò rèn nóng như lò luyện đan. Chiếc yên xe rất nhiều đồ nặng, không hề nhẹ nhàng như mấy cái bao đựng đồ chơi lấp lánh như cái ngày bọn tôi hay đổ ra sân để mang cho bố sửa. Hóa ra để mang được món đồ về cho chúng tôi, mẹ phải dọn dẹp cho bao nhiêu nhà, loại bỏ đi bao nhiêu đồ phế liệu. Chiếc làn xe không chỉ có mỗi những thức quà ngon lành mà còn chứa cả mảnh sắt, mảnh sành, chai thủy tinh mà một lần vô tình nó cứa vào chân mẹ 1 vệt dài sâu (đến bây giờ nó là vệt sẹo lồi). Ăn cơm ở quán người quen cũng không ngon như mẹ kể, vừa ăn trong cái nắng nóng hầm hập, vừa phe phẩy cái quạt tay quệt mồ hôi.

Tiếp nữa, những gia đình mẹ kể qua con mắt của tôi cũng không hoàn toàn là những người vui vẻ và dễ tính như mẹ kể. Có người khó tính khủng khiếp, có người khắt khe, có những người để ý bắt bẻ từng chút một. Và khi tôi định than phiền với mẹ thì mẹ đón ý bảo đừng nghĩ về người ta như vậy. Ai cũng có mặt này mặt kia mà. Cứ thật thà, chăm chỉ, chân thành thì gặp ai khó cũng thành dễ thôi. Cứ làm tốt việc của mình thì không có gì để phiền não và suy nghĩ cả. Và quả thật, suốt sự nghiệp hơn 20 năm của mẹ, rất hiếm khi có chuyện mẹ bị lừa hay gặp chuyện không vui. Dường như xung quanh mẹ chỉ có những người tốt và những niềm vui.

Cuối cùng, từ những bí mật ấy tôi rút ra bài học là, khi mình chọn cách tin tưởng vào lòng tốt của người khác, thì người thân của mình cũng sẽ gặp được người tốt thôi. Điều đó giúp tôi an lòng hơn khi nghĩ về những khó khăn của bố mẹ mà nhiều khi chúng tôi không thể ở bên để chia sẻ được. Và nó cũng giúp tôi trưởng thành hơn trong các mối quan hệ. Rõ ràng, những người thân của mình lại là những người mình cách xa hơn bao giờ hết. Bố mẹ đi làm, con cái đi học, mỗi người một độ tuổi, mỗi người một nghề và mình hiện diện với người khác nhiều hơn là với gia đình của mình. Tôi không thể ở bên bố mẹ, anh chị em của mình để giúp đỡ khi họ làm những công việc vất vả và ngược lại. Vì thế, chỉ còn cách mình đối xử tử tế với những người mình gặp mà thôi. Vì cuộc sống của chúng ta là những mắt xích và có sự kết nối với nhau. 

Ở đâu đó, mọi hành động của chúng ta đều có sự tác động tới những người khác và ngược lại. Vậy nên, những việc bạn trao đi mà không nhận lại được từ đối tượng bạn cho đi thì rất có thể, bạn sẽ nhận lại từ một người khác. Đó là một bí mật, và cũng là một điều không hề bất ngờ lắm đâu.

Tôi luôn biết ơn vì cách mình lớn lên với những món đồ chơi, những tập vở tái chế và những quyển sách báo cũ. Bởi tuổi thơ của tôi luôn được lấp đầy những câu chuyện về niềm tin luôn có người tốt xung quanh mình.

Cám ơn sự nghiệp của mẹ.

Ảnh đại diện: Kịp lúc | Lý Quốc Đạt

Một cô gái thong dong, thích nấu ăn cho những người thân yêu

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *