Tản văn

Tiệm tạp hóa Nắng Tháng Tám

Hồi nhỏ, nơi tôi muốn đến nhất chính là nhà bà Ki, thích hơn cả mấy cái quán bán kẹo. Tại vì nhà bà Ki là tiệm tạp hoá, nơi tôi có thể tìm thấy mọi thứ trên đời.

Tôi phát hiện ra điều này là hồi tôi lên 4 tuổi. Hôm đó, cái quần tôi mặc cứ kéo lên là lại bị tụt xuống, mẹ bảo là chun quần bị giãn rồi, cần phải thay dây chun mới. Thế là mẹ dắt tôi đi mua cái dây chun để cạp lại cái cạp quần.

Nhà bà Ki cách nhà tôi có 200 mét thôi. Đi vào một con ngõ nhỏ, bước qua cái sân là tới gian giữa của ngôi nhà ngói ba gian. Trong nhà hơi lụp xụp, ẩm thấp, bày la liệt đủ thứ. Tôi ấn tượng nhất là mùi quế sộc thẳng vào mũi. Trong lúc mẹ tôi thì hỏi mua cái dây chun, thì tôi đã nhanh chóng đảo mắt để xem những thanh quế đang ở đâu. Hẳn là có nhiều quế lắm đây. Ít nhất là sẽ nhiều hơn mấy cái mẩu quế bằng đầu ngón tay mà các anh lớn hay cho bọn tôi. Dù nhìn mãi không tìm thấy thứ đồ ăn mà mình thích, nhưng tôi lại nhìn thấy nhiều thứ trong danh sách mơ ước của mình.

Tôi nhìn thấy những cây bút chì. Gần nhà tôi, hàng xóm đang làm nhà gỗ. Tôi thích chạy sang ngồi cạnh bác thợ cả, vì bác vẽ tranh trên gỗ đẹp lắm. Chỉ bằng một cây bút chì, cả bức tranh hoa lá đã hiện lên trên tấm gỗ. À hóa ra cây bút chì mà bác thợ mộc hay dùng là mua ở đây.

Tôi phát hiện ra ở đây có bản cả vòng chun – thứ đồ chơi mà bọn trẻ chúng tôi hay kết lại để chơi nhảy dây, chơi thổi vòng hay chơi kết ngôi sao.

Chưa hết, còn có cả kẹo kéo nữa – thứ mà bọn tôi phải vất vả gom bao nhiêu mẩu sắt vụn trong một thời gian dài mới đổi được thanh kẹo của người bán kẹo rong hay đi qua cổng nhà tôi.

Sau đó, tôi còn phát hiện ra nơi đây cũng bán mấy cái hình in các nhân vật trong phim Tây Du Ký hay các nhân vật hoạt hình như dũng sĩ Hecman, Doremon. Thế mà các anh nhà tôi bảo phải đi “kiếm” vất vả lắm. Các anh chỉ cho tôi có mấy tấm làm vốn, rồi bảo tôi phải đi thách thức bọn trẻ con trong xóm chơi “đập tranh” để “kiếm” về. Đập đau cả tay mới có thể sở hữu những tấm hình đẹp đẽ đó.

Cuối cùng thì tôi cũng tìm thấy những thanh quế dài nằm gọn ở một góc mãi bên trong cùng. Nó đúng là bự hơn nhiều so với mấy mẩu quế bằng đầu ngón tay tôi vẫn gặm thường ngày.

Ngày ấy, tôi cứ tưởng mình đã nhìn thấy hết những điều kỳ diệu ở hàng tạp hoá nhà bà Ki rồi. Nhưng không phải. Mấy thứ đó vẫn xoàng lắm.

Khi tôi lên Năm, anh trai vào lớp Một, nên bố tôi tiện mua cho tôi vở để tập tô luôn. Một lần nữa, tôi được dắt đi sang tiệm tạp hóa bà Ki. Tôi được phép chọn bút chì yêu thích cùng những phụ kiện đi kèm như cục tẩy, gọt bút chì. Còn anh trai thì được mua bút máy, lọ mực và cục mực. Mắt tôi sáng lên khi nhìn những chiếc bút đầy màu sắc và nhiều chất liệu được để ở một khay riêng. Đã bảo ở đây bán đủ thứ trên đời mà. Mọi đồ dùng học tập từ giấy màu, bìa bọc sách vở đến đồ làm handmade sau này, tôi đều có thể mua ở đây. Dường như cả thế giới mà tôi hằng mong ước đều gói gọn trong ba từ “tiệm – tạp – hóa”. Với tôi, 3 chữ ấy có thể phát sáng, lấp lánh như những vì sao.

Tôi khi ấy luôn mong ước một ngày nào đó, tôi cũng có thể sở hữu “một thế giới” phong phú như thế. Làm chủ một tiệm tạp hoá. Thật là giàu có và thật ngầu nữa, vì sở hữu bao nhiêu thứ mà trẻ con mơ ước.

Lớn lên rồi, tôi trở thành một nhân viên văn phòng. Mong ước của thời niên thiếu vẫn cứ nhấp nháy trong tôi. Tiệm tạp hóa bây giờ, có tên là cửa hàng văn phòng phẩm hay nhà sách. Tôi vẫn thường hay lui tới những chỗ như thế mỗi khi rảnh, chỉ để ngắm những kệ chất đầy bút, đầy sổ, và những miếng dán sticker đáng yêu.

Cho đến một ngày, tôi đọc được quyển sách “Điều kì diệu ở tiệm tạp hóa Namiya” của Keigo. Cuốn sách kể về ông chủ tiệm tạp hóa ở một thị trấn nhỏ, đam mê mấy thứ cũ kỹ và bán đồ văn phòng phẩm cho bọn trẻ. Ông làm một chiếc thùng sữa để nhận thư thắc mắc của lũ trẻ. Từ đó, bao nhiêu câu chuyện đã được lắng nghe.

Gấp cuốn sách lại, tôi bắt đầu nhớ lại tiệm tạp hóa trong mơ của mình. Tiệm tạp hoá của tôi cũng sẽ bán đầy những chiếc bút màu sắc, những quyển sổ tay xinh xắn, những quyển sách hay nhất mọi thời đại, những chiếc bookmark được thiết kế có một không hai, mấy thanh quế thơm ngát, những tờ giấy và những phong thư… Và còn có một thùng sữa nhận thư như của ông chủ tiệm tạp hoá Namiya nữa.

Mỗi sáng thức dậy, tui sẽ nướng bánh mì, pha cà phê, mở cửa quán tạp hoá, kiểm tra hòm thư. Trong lúc ngồi chờ khách đến mua hàng có thể tranh thủ đọc thư và biên thư lại, không thì sẽ viết lách, đọc sách hay là thêu thùa.

Tôi đã bắt đầu chuẩn bị cho ước mơ đó rồi đó.

Tôi đi học kể chuyện này, luyện viết hàng ngày, chăm chỉ đọc nhiều hơn để có thể diễn đạt được những gì mình muốn truyền tải. Mong đến ngày ấy, tôi có thể tự tin hồi đáp lại những lá thư.

Suốt mười năm qua, tôi đã gom được hơn 500 đầu sách. Tiệm tạp hoá của tôi sẽ là một thư viện nhỏ nơi ai cũng có thể đến để đọc sách.

Còn hôm nay, tôi đã có một sản phẩm đầu tiên cho tiệm tạp hoá mang tên Nắng Tháng Tám của mình. Đó là một quyển sổ nhỏ, ngay từ trang bìa đã đề “My dream journey”, được tôi hoàn thành thiết kế vào những ngày đầu tháng Tám. Mọi kế hoạch to lớn đều bắt đầu từ những hành động nỗ lực nhỏ bé. Tôi mang mơ ước ấp ủ vào những trang giấy trong quyển sổ nhỏ này. Cứ từ từ, đi từng bước nhỏ một. Sẽ có một ngày tiệm tạp hóa Nắng Tháng Tám của tôi sẽ đủ đầy những thứ mà tôi mơ ước.

Tôi mong quán nhỏ của mình là một nơi mọi đứa trẻ muốn đến chơi, nơi chúng có thể tìm thấy kho báu của cuộc đời mình, như tôi của ngày xưa.

Một cô gái thong dong, thích nấu ăn cho những người thân yêu

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *