Tản văn

Con thấy MẸ* về

Chiều mồng Năm Tết. Trong tôi có một thôi thúc là muốn đi ra chùa làng. Chùa vào dịp tết lúc nào cũng đông người qua lại. Hội chùa làng vào mồng Chín hàng năm, nên giờ này mọi người lại càng tất bật sân rạp, bàn ghế cho lễ hội.

Tôi vốn là người không thích nơi ồn ào, đông người, nên mọi năm tôi cũng không quan trọng việc ra chùa làng mình lắm. Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, chỉ cần bên trong mình có lòng thành kính thì ở đâu cũng có chùa, có Phật. Nhưng chiều nay, tôi vẫn muốn ra đó, bất chấp việc ra chùa đông người, sẽ gặp người này người kia.

Tôi dựng xe và đi vào sân. Gặp người làng, tôi mỉm cười chào hỏi rồi tiến về phía Tam Bảo. Ai cũng có việc của mình nên tôi cũng chỉ cần lặng lẽ đi tản bộ quanh chùa. Trong tiếng gõ mõ, trong tiếng đọc kinh của các bà, các cô xung quanh, hương trầm tỏa nghi ngút… tôi thả đi những hân hoan đang trộn lẫn cùng với những nhiễu nhương trong lòng. Chẳng mang theo lời khấn cầu nào, tôi chỉ chắp tay thật yên trước Tam Bảo.

Từ miền xa vắng vọng về những hình ảnh mơ hồ. Về một buổi chiều đọc kinh cầu siêu.

Tiếng kinh lầm rầm cùng tiếng gõ mõ xung quanh. Suốt mấy ngày ai cũng mệt mỏi, đến bản thân tôi cũng không thể tỉnh táo để đọc thông suốt được. Lúc ngẩng đầu lên để trốn tránh những câu chữ trong quyển kinh, tôi nhìn thấy người đàn ông trung niên ngồi đối diện mình. Đó là người duy nhất đọc kinh một cách chăm chú trong hiện tại. Là chú L, vốn bị thiểu năng từ nhỏ. Khi tôi còn bé, ngày ngày tôi thường thấy chú dắt trâu đi thả qua nhà tôi. Dáng chú lững thững, lặng lẽ đi bên con trâu như thể cả thế giới chỉ có chú, con trâu và con đường làng vậy.

Mấy đó mà đã mười mấy năm. Nay tôi gặp chú ở chùa. Nghe bảo giờ chú ở chùa luôn, ngày ngày quét sân, trông giữ chùa phụ việc giúp sư thầy. Dù người ta bảo chú ngớ ngẩn, nhưng tôi lại thấy ở chú một sự tỉnh thức trong mỗi khoảnh khắc. Chú cầm chổi quét sân, chú đọc kinh cầu siêu cho người đã khuất, chú giúp mọi người sắp xếp đồ lễ. Trong khi người người đi lại bận rộn việc này việc kia. Chỉ có mỗi chú cứ cần mẫn, cặm cụi làm trong yên lặng. Tôi thầm nghĩ, chú đã về tới ngôi nhà đích thực của mình rồi. Lành thay. Và rồi tôi tự đặt cho mình những câu hỏi về chuyện tu tập và hành trình vượt thoát khỏi khổ đau của kiếp người. Thế giới này, thế giới của mỗi người, có đang là những ảo ảnh hay không?

Tiếng đọc kinh cầu siêu vẫn đều đều…

Trong một khoảnh khắc tôi hình dung ra hình ảnh nụ cười giòn tan của đứa bé. Nụ cười bé thơ hồn nhiên tan dần theo những mòn mỏi của năm tháng… Như một cuốn phím tua nhanh dòng thời gian, những mái đầu đã bạc, những mái tóc còn xanh; những nét còn tươi trẻ, những nếp già nhăn nheo; những lời không còn thật, tiếng thở than tiếc lòng; tiếng cười không còn rõ, tưởng như đã hết rồi… tưởng như… chỉ còn là dĩ vãng nhắc lại, thế mà, bất chợt dư âm của nó lại vang lên lần chót cùng dư ảnh của đứa trẻ ngày nào – trước khi về với hư vô.

Tôi quay về nhà, dọn dẹp đồ đạc để chuẩn bị lên Hà Nội, quay lại với cuộc sống thường nhật. Căn phòng nhỏ đã sạch sẽ, thoáng đãng. Không gian bỗng trở nên tịch mịch, một tiếng thở phào trút ra. Tôi ngả người nằm nghỉ một lát, mở chú Tara lên nghe.

Câu mantra thủ thỉ, môi mấp máy thì thầm. Thì thầm với mình bao nhiều điều nghĩ suy từ miền vô thức. Bấy lâu, mọi thứ cứ trở đi trở lại, sóng sánh bước bên đời. Chẳng đủ tâm bình lặng để tỏ rõ, đó là điều lành hay dữ. Cứ mặc lòng, chạy theo thời đang tới. Cứ xuôi dòng, chảy theo sự nổi trôi. Bỗng trở nên lặng yên, như con suối chảy qua khe núi lở đã khô cằn từ lâu. Nói với mình, đừng sợ nữa. Ổn rồi.

Lúc ấy, tôi lại nhớ về hình ảnh của chú L năm xưa. Liệu rằng, chú có thấy mình được vỗ về trong bàn tay Mẹ Tara như lời thơ này không?

“Rắn đỏ vụt hiện thình lình

Người điên bật khóc thần linh hiện về:

Om ta rê tútta rê

Tu rê soa há: mẹ về thăm con”

– Tara, trích trong tập thơ “Trên tất cả đỉnh cao là lặng yên” – Phạm Công Thiện.

Đôi khi, tìm về lại một nơi là tìm về một cảm giác mà nơi ấy mang lại. Và dưới mái chùa năm nào, tôi thấy mình được sáng tỏ, được hóa giải, được mở rộng và được… yên. Và tôi biết, dẫu có đi đâu, trong tôi vẫn luôn có một mái chùa vững chãi, Mẹ Tara nhân từ vẫn luôn chở che cho mình.

(*) Mẹ Tara xanh, Đức Quan Âm Phật Mẫu Tara

📸 mái hiên chùa Thầy 5.2020

Một cô gái thong dong, thích nấu ăn cho những người thân yêu

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *