Đọc sách

Lời hồi đáp qua những cuốn sách

Hôm nay, mình tâm sự về chuyện đọc sách đi. (Và đây là những đoạn trích trong những cuốn sách của những tác giả tôi yêu quý)

Đã bao giờ, bạn nhận ra tiếng lòng mình đang được hồi đáp lại thông qua những con chữ chưa? Đối với tôi, sách quả thật là một sợi dây kết nối đầy kì diệu. Ở đó, có những cuộc gặp gỡ đầy thú vị với những con người mà tôi không có cơ hội thấy họ ở ngoài đời. Theo cách nói của Takako trong cuốn sách “Những giấc mơ ở hiệu sách Morisaki” của Yagisawa Satoshi thì đó gọi là “duyên hạnh ngộ”:

“Ví dụ trong cuốn ‘Tâm cảnh’ của Kajii Motojirou tôi bắt gặp một đoạn thế này:

‘Xét cho cùng, thì nhìn là gì? Là một phần, hoặc toàn bộ linh hồn ta đều chuyển hoá vào việc đó.’ 

Người đọc cuốn này trước tôi đã tâm đắc gạch chân một đường như vậy bằng bút mực. Tôi cũng thế, cũng ấn tượng với đoạn ấy nên thấy hân hoan khi có một người không quen biết đồng cảm với mình.

Tôi còn tìm thấy thanh đánh dấu trang bằng hoa khô trong cuốn sách. Hít ngửi mùi hương chỉ còn lại thoang thoảng, tôi rong ruổi nghĩ: người đó là người thời nào, tính cách ra sao, đã nghĩ gì khi kẹp thứ này vào đây nhỉ.

Duyên hạnh ngộ vượt thời gian như thế chỉ nhờ có sách cũ ta mới được nếm trải.”

Rất nhiều lần khi đọc sách, tôi đã vô cùng thích thú mà reo lên như cách Takako độc thoại như trên.

Tôi vẫn nhớ cái cảm giác vỡ oà vì sự trùng hợp đến không thể tin nổi vào một tối nọ trong căn phòng yên ắng chỉ có mỗi mình tôi. Khi ấy, tôi đang nghe bài chú Tara và tay thì vu vơ lật giở quyển thơ “Trên tất cả đỉnh cao là lặng yên” của Phạm Công Thiện. Thế nào, tôi lật đúng trang thơ có bài Tara của ông. Một cảm giác như được chỉ dẫn để tôi có thể gặp gỡ những câu thơ chạm thật sâu vào tận đáy lòng mình. 

Cảm giác được bao dung, vị tha; được ôm ấp, vỗ về khiến con người cô đơn là tôi trong tối hôm ấy xúc động mãnh liệt. Tôi như đang cùng ngồi bên hiên chùa cùng tác giả, lặng yên nhìn dòng đời chảy qua trước mắt mình.

Tôi lại nghe được sự tỉnh thức sau cơn mộng mị khi đọc “Gieo mầm trên sa mạc” của cụ Fukuoka Manobo:

“Chỉ trong một phiến lá, một nhành hoa, tôi rung động nhận thức rõ mọi hình tướng xinh đẹp của thế gian này. Cái tôi đã trông thấy đó đơn giản chỉ là màu xanh của lá cây lấp lánh trong nắng. Tôi không thấy vị thần linh nào ngoài bản thân đám cây, tôi cũng không nhìn ra một linh hồn thực vật nào ẩn trong đám cây cả. Khi nhìn thế gian với một tâm trí rỗng rang, tôi có thể nhận thấy rằng thế giới ở trước mắt tôi kia là hình tướng thật của tự nhiên.”

Tôi say sưa tìm học trên đường đời, để có thể học cách hiểu mình, hiểu người, hiểu về cuộc sống. Trên hành trình ấy, tôi gặp những người thầy lớn đã đưa cho tôi những lời khuyên, những bài học vô cùng quý giá. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác mình như một người học trò nhỏ bé, đang lắng nghe lời tiền bối giảng dạy khi đọc “Tôi tự học” của Thu Giang Nguyễn Duy Cần:

“Hiểu biết, thực ra, là một sự nhận ra những gì ta đã biết. Nghĩa là, cái thật biết là cái biết do mình đã tìm ra. Ta chỉ thấy được những gì ta đã thấy. Ta chỉ thích được những gì ta đã thích. Có đồng mới có ứng, không đồng không ứng. Đọc sách mà biết hay, chẳng qua vì nó là tiếng dội của lòng mình. Những ý tưởng mà ta đã nghĩ qua, những tình cảm mà ta đã trải qua, nhưng vì không được hàm dưỡng đúng mực nên đã giống như ngọn lửa than âm ỉ trong đáy lòng, nay bỗng gặp được ngọn gió thổi lòn nên nó bừng lên mà cháy lại. Thực ra, chỉ có ‘đồng thanh’ mới ‘tương ứng’, ‘đồng khí’ mới ‘tương cầu’.”

Để từ đó, tôi biết rằng, những mong cầu của mình chỉ đem đến cho mình nhiều nỗi phiền muộn. Và rằng sẽ chẳng bao giờ mình có được những cái mình muốn, mà mình chỉ có thể có được những thứ mình thực sự xứng đáng:

“Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì sẽ mang họa vào thân.”

– Trích “Hồi Kí Nguyễn Hiến Lê”, Nguyễn Hiến Lê

Cứ đọc sách như vậy, tôi càng có thêm niềm tin về chuyện có tồn tại những cuộc đối thoại – sự kết nối như thế giữa mình và những người đã xa. Thông qua những con chữ, tinh thần nối liền, và từ trong sâu thẳm của tâm trí, một sự xúc động không lời cứ thế diễn ra. Như lời thơ của Rumi:

“Điều bạn đang tìm kiếm cũng đang kiếm tìm bạn!”

Cuộc đời mấy mươi năm của một con người ngắn ngủi thật đấy, nhưng là một phần trong tiến trình của trái đất này. Khi nhìn rộng ra như thế, tôi có thể cảm thấy được lắng nghe, được trao đổi, được hồi đáp. Carl Jung có nói:

“Cô đơn không đến từ việc không có người xung quanh, mà bởi không thể giãi bày, sẻ chia những điều quan trọng về bản thân, hoặc từ việc luôn ôm ấp những quan điểm mà người khác cho là không thể chấp nhận được.”

Tôi không hề cô đơn giữa cuộc đời này. Bởi vì, những điều tôi cho là quan trọng và hành trình đi tìm lời xác nhận cho những điều ấy, tôi đã tìm được thông qua những cuốn sách. Tôi thấy Carl Jung cũng nói thêm thế này:

“Sự gặp gỡ của hai tính cách giống như sự tiếp xúc của hai chất hóa học: nếu có phản ứng thì cả hai đều chuyển hóa.”

Và bạn biết không, dù những cuốn sách có đưa chúng ta đi xa tới đâu, thì cuối cùng, nó cũng dẫn lối cho ta về một nơi vô cùng quen thuộc. Đó là nơi nào? Đoán thử xem!

“Nếu chúng ta biết rằng có một Hiền nhân đang tồn tại, một Hiền nhân vô tư và đầy thương yêu đối với chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ hết sức mong muốn nói chuyện với người, xin người khuyên bảo và giúp đỡ. Nếu người sống ẩn náu trên một ngọn núi, chắc hẳn chúng ta sẽ sẵn lòng chuẩn bị trèo lên đó để gặp người.

Thế mà, một Hiền nhân như vậy, một Thầy như vậy đang tồn tại: người đang ở gần chúng ta, thậm chí hiện hữu trong mỗi chúng ta. Để đến với nó, chúng ta phải làm một cuộc hành trình thật, nhưng là ở trong các thế giới bên trong chúng ta.”

– Robert Assagioli

Đấy là cách những cuốn sách đã đi cùng tôi trên hành trình trở về với chính mình. Còn bạn, có thể kể cho tôi nghe câu chuyện của bạn không?!

Hoà Hoà

Hà Nội ngày 27/07/2022

Một cô gái thong dong, thích nấu ăn cho những người thân yêu

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *