Tản văn

Hôm nay, tôi là Kyu 5 Ki Aikido

Hôm nay, tôi nhận được bằng Kyu 5 Ki Aikido rồi đó.

“Em bé lớp mầm” không kyu đã bước lên bậc thang đầu tiên.

Tôi học Ki Aikido từ tháng 10 năm 2020. Sau hơn nửa năm luyện tập thì dịch xảy ra. Thế là tôi ngưng tận 2 năm cho đến khi tháng 5 năm nay, tôi mới quay lại Dojo.

Dojo mới, nhưng thầy vẫn vậy, các bạn tập vẫn vậy. Tôi thật vui vì mọi người vẫn nhớ tới mình và chào đón tôi trở lại.

Bài học đầu tiên khi quay trở lại học, đó là bài giảng về định vị bản thân trong không gian mà thầy Thao giảng.

Cơ thể vật lý của tôi ở đây – hãy cảm nhận được cơ thể và hơi thở của mình

Không gian vật lý chứa cơ thể tôi – hãy cảm nhận được vùng không gian này và những thứ xung quanh

Vùng không gian mở rộng hơn – hãy khuếch trương Ki, để Ki của tôi chạm hay lan tỏa rộng ra xung quanh. Đừng cố định bản thân mình vào những vật cản tại một điểm trên cơ thể mình mà khiến cả cơ thể bị hạn chế. Khi cái tay bị nắm giữ thì chỉ có tay tôi là hạn chế, còn lại các bộ phận cơ thể của tôi vẫn đang được tự do. Vì vậy, hãy dùng những phần tự do ấy để di chuyển theo hướng tôi muốn, thay vì nghĩ là tay tôi bị khống chế rồi nên dùng sức để tập trung vào cái tay đó.

.

Bài học tiếp theo là bài tập về hướng mà thầy Hùng dẫn dắt khi tôi thực hành ra đòn với các uke.

Khi dẫn dắt đối phương hay để đối phương dẫn dắt, việc đầu tiên là hiểu được Ki của mình, sau đó hiểu được Ki của đối phương. Hãy để ý hướng của đối phương; nhờ vậy, ta có thể biết người này đã có sự trụ vững hay còn đang tán loạn phương hướng. Từ đó, ta cũng ít nhiều học cách dẫn dắt họ đi vào đúng hướng của họ.

Đừng để kinh nghiệm hay màu đai của người khác đánh lừa. Hãy cảm nhận Ki của đối phương, hãy cảm nhận Ki của chính mình và khuếch trương nó, liên tục, không đứt đoạn.

Bài học này giúp tôi xây dựng mối tương giao với người khác ở mức độ sâu sắc hơn. Chúng ta tương tác lẫn nhau và đi cùng nhau. Và rồi, ở vị trí mỗi người đều cho nhau một bài học nào đó.

Học Ki, tôi học cách bước ra ngoài nói “Xin chào” với họ “Onegaishimasu” – chúng ta cùng bước vào luyện tập nhé.

Thông qua việc thực hành quan sát kỹ, tôi học cách nhìn sâu vào bên trong họ thay vì chỉ nhìn vào bề ngoài và tự đánh lừa chính mình bằng những cảm xúc phòng vệ. Khi tôi đã trụ vững, biết cách khuếch trương Ki, tôi có thể kết nối được cảm xúc với đối phương. Sau mỗi buổi tập mọi người lại quây vào một vòng tròn và cúi đầu nói “Xin cảm ơn” – “Arigatou gozaimashita”.

.

Tôi được dịp ôn luyện lại những bài học về thả lỏng

Hãy thả lỏng và học hạnh của nước, linh hoạt, tự do và không bị bó buộc bởi thứ gì cả. Hãy tận dụng nguồn lực sẵn có: ngoài cái tay, ta còn có cả cơ thể, còn có cả khoảng không gian (trước hoặc sau, tùy hoàn cảnh) nên không có gì là cùng đường tuyệt lộ cả.

Ki có đường đi của nó, tôi cần phải rõ ràng trong mục đích hướng tới thì Ki mới đi đúng hướng được. Cũng giống như khi tôi đang bước đi, nếu biết bản thân đang đi về đâu, thì mọi bước chân đều hướng về đó, mọi tế bào, mọi suy nghĩ đều đồng nhất về đó.

Hãy thả lỏng, hãy để tinh thần dẫn dắt cơ thể. Chứ không phải để “quan điểm, lý trí, suy nghĩ” dẫn dắt bằng những giới hạn của nó.

Plus Ki

Đừng để ngắt Ki. Dù nhanh hay chậm hãy để nó luôn là một dòng chảy liên tục xuyên suốt. Đừng dừng lại. Như sự chuyển động vào ra không ngừng của hơi thở.

Liên tục, liên tục, liên tục….

Hãy để cho Ki nhịp nhàng như hơi thở.

Hãy để cho cuộc sống có Ki.

Tôi chợt nhận ra ý nghĩa của điều đó. Và thấy từng phần cuộc sống của tôi đã và đang khá rời rạc. Tôi tự hỏi, cả hành trình sống của mình bao lần trở nên vụn vặt, ngắt quãng rồi? Mọi thứ vỡ òa. Tôi hiểu vì sao tôi đã không làm tốt, vì sao tôi không vui trong một mối quan hệ, vì sao tôi không bền bỉ được. Đó là vì tôi đã để bị ngắt, đã để bị xao nhãng (do cả những thứ bên ngoài tác động và cả chính động lực nội sinh của mình không rõ ràng và nhất quán). Tôi không thực sự có chủ đích cho cuộc sống của tôi. Tôi để mọi thứ trôi dạt rồi mắc kẹt ở đâu đó, chờ sự khơi thông nào đó.

Bài học về sức mạnh, hóa ra là ở đây: nội lực – sức mạnh từ bên trong là không để bị ngắt Ki.

Bây giờ, mỗi khi gặp khó khăn, cản trở, không như ý, tôi đều tự nhắc “plus Ki, 2 phút được, 3 phút tiếp, tiếp, tiếp… nghỉ chút rồi tiếp, tinh tấn lên”. Thay vì mất thời gian và năng lượng cho những nỗi lo sợ, tôi thực hành việc không để bị ngắt Ki. Khỏe và dễ dàng thì làm nhanh, mệt mà khó khăn thì chậm lại, chậm lại.

.

Kì thi lên cấp

Và kì thi lên đai cận kề. Tôi cũng mạnh dạn đăng ký vì nhắm thời điểm từ lúc tôi đi tập lại đến lúc thi vừa hay đủ số giờ luyện tập theo quy định (kyu 5 cần tối thiểu 30 giờ luyện tập)

Mặc dù tinh thần đã xác định việc đi thi là dịp để tôi kiểm tra lại trình độ, nhưng tôi vẫn không khỏi hồi hộp khi đứng trên sân thi. Và lúc thi xong, thầy bảo tư thế của tôi khá tốt. Còn tôi thì khá hồn nhiên đáp:

Nhưng lúc thi xong thì em còn không biết mình đã hoàn thành bài thi chưa. Vào đó em quên hết, lúc đó tay chân sao em cũng không rõ.

Thi xong, khi ngồi ở dưới xem mọi người thi. Các sempai thi ở cấp độ cao hơn ra đòn thật đã mắt. Tôi cứ ồ òa lên trong mỗi đòn thế phức tạp. Lúc này, tôi mới bắt đầu nhận thức được sự rõ ràng trong các đòn thế. Tôi đã có rất nhiều cái aha moment. Hóa ra, chân là phải di chuyển như thế, tay phải giơ lên như vậy. Hóa ra các bài khởi động là những bài nền tảng đầu tiên và ta cần học thật nhuần nhuyễn những bài học đó. Hóa ra, phải đến sau khi tôi thi xong thì tôi mới nắm được ý nghĩa của từng động tác. Tôi đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc nắm vững những thứ nền tảng nhất.

Nếu ai đó hỏi “Vậy cậu có tiếc vì đã không hiểu bài sớm hơn không?” thì tôi trả lời là “Không!”. Bởi vì, lúc luyện tập, tôi vẫn chưa có ý thức được thế nào là chuẩn, sở học cũng bình thường, những điều tôi ngấm vẫn còn quá ít so với những nguyên lý mà các thầy vẫn luôn dẫn dắt. Chỉ khi đưa những bài tập đó vào tiêu chuẩn của kỳ thi, bản thân mình ở trong bài kiểm tra đó thì mọi thứ mới vỡ vạc ra. Tôi nghĩ đó là ý nghĩa của việc thi lên cấp.

“Đủ lượng chất sẽ biến đổi”

Để chuyển hóa những nguyên lý thành bài học của chính mình, tôi cần tiếp tục luyện tập, thực hành, quan sát và đúc rút. Cứ như vậy, học và trải nghiệm; tinh chỉnh phù hợp với tiến trình của bản thân, sự rõ ràng mới dần dần được sáng tỏ.

——————–

Chú thích: Ki-Aikido là môn võ của Nhật Bản, tên gọi tiếng Nhật là Shin Shin Toitsu Aikido được sáng lập vào năm 1974 bởi võ sư Koichi Tohei. Dựa trên nền tảng các nguyên lý về Khí, Ki-Aikido giúp ta đạt tới trạng thái hoà hợp giữa tinh thần và thể xác, từ đó giúp người tập phát huy được hết khả năng, thực lực tiềm ẩn vốn có của mình.” (theo Ki Aikido Hà Nội).

Một cô gái thong dong, thích nấu ăn cho những người thân yêu

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *